Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Hướng dẫn công tác chuyển tuyến liên ngành trong công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán

Ngày 26/10, tại Hà Nội, Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) phối hợp với Đại sứ quán Anh tại Hà Nội tổ chức Hội thảo góp ý dự thảo bộ Tài liệu hướng dẫn chuyển tuyến liên ngành trong công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán.

Tham dự Hội thảo có đại diện của các đơn vị: Cục Trẻ em, Vụ Bình đẳng giới, Cục Bảo trợ xã hội (Bộ LĐTBXH); Cục Cảnh sát hình sự, Cục quản lý Xuất nhập cảnh, Cục An ninh nội bộ và Văn phòng (Bộ Công an); Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm (Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng); Vụ Tổng hợp (Tòa án nhân dân tối cao); Ban Tuyên giáo, Ngôi nhà bình yên (Trung ương Hội Liên Hiệp phụ nữ Việt Nam); đại diện Chương trình phát triển liên hợp quốc (UNDP); Cơ quan phòng, chống ma túy và tội phạm của Liên Hợp quốc (UNODC); Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam; Văn phòng Chương trình hợp tác ASEAN- Australia phòng, chống mua bán người tại Việt Nam (ASEAN-ACT); lãnh đạo các Sở LĐTBXH cùng các tổ chức liên quan.

anh tin bai

Bà Nguyễn Thùy Dương, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội phát biểu khai mạc Hội thảo

Phát biểu khai mạc hội thảo, bà Nguyễn Thùy Dương, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội cho rằng: “Trong công tác hỗ trợ, hòa nhập cộng đồng cho nạn nhân bị mua bán, việc hỗ trợ và đảm bảo quyền, lợi ích của các nạn nhân là một trong các ưu tiên hàng đầu. Quá trình chuyển tuyến và hỗ trợ nạn nhân luôn đòi hỏi sự tham gia của nhiều cơ quan, đơn vị và cá nhân. Nhằm đảm bảo quá trình hỗ trợ và phối hợp liên ngành diễn ra nhanh chóng, kịp thời, cần có một hướng dẫn cụ thể giúp các đơn vị liên quan nhận thức rõ vị trí, vai trò, những công việc cụ thể của từng ngành, từng bộ phận trong quá trình chuyển tuyến. Vì vậy, Bộ Tài liệu hướng dẫn thực hành chuyển tuyến liên ngành trong hỗ trợ nạn nhân thực sự cần thiết đối với các cán bộ làm công tác hỗ trợ nạn nhân, đặc biệt là các cán bộ làm việc trực tiếp với nạn nhân từ khâu tiếp nhận, xác minh, hỗ trợ ban đầu, hỗ trợ phục hồi và hòa nhập cộng đồng cho nạn nhân”.

Với sự hỗ trợ của dự án Liên Hợp Quốc hợp tác hành động chống lại nạn mua bán người (UN-ACT) thuộc UNDP tại Việt Nam, Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội đã chủ trì biên soạn bộ Tài liệu với mục tiêu trang bị cách tiếp cận phù hợp dành cho các cán bộ khi làm việc với nạn nhân hoặc tham gia quá trình chuyển tuyến nhằm đảm bảo lợi ích và nhu cầu của nạn nhân.

Bộ Tài liệu gồm 3 phần: (1) Tổng quan về chuyển tuyến liên ngành trong công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán; (2) Hướng dẫn công tác chuyển tuyến liên ngành trong công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán; (3) Một số biểu mẫu và trường hợp/ca chuyển tuyến.

anh tin bai

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm sau Hội thảo.

Tại Hội thảo, đại biểu các bộ, ngành và địa phương đánh giá cao sự chuẩn bị công phu, chu đáo của Ban biên soạn, nội dung tài liệu dễ tiếp cận giúp cho cán bộ làm công tác quản lý, cán bộ trực tiếp hỗ trợ nạn nhân nắm vững quy trình phối hợp chuyển tuyến và hỗ trợ nạn nhân một cách hiệu quả nhất.

Bên cạnh đó, một số đại biểu góp ý về cấu trúc, việc trích dẫn văn bản quy phạm pháp luật, sơ đồ chuyển tuyến..., đồng thời, bộ tài liệu cũng cần quan tâm tới đối tượng là nạn nhân và gia đình nạn nhân để họ hiểu về quyền, các chế độ, chính sách đối với nạn nhân.

Sau khi tiếp thu ý kiến góp ý, Ban biên soạn tiếp tục chỉnh lý, hoàn thiện và xin ý kiến các bộ, ngành liên quan để ban hành chính thức trong thời gian sớm nhất.

 

(Trích nguồn: http://www.molisa.gov.vn/)

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ - SỞ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI TỈNH NAM ĐỊNH

Trưởng ban Biên tập: ông Nguyễn Tuấn Song - Phó giám đốc Sở.

Giấy phép của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Nam Định số 02/GP-TTĐT-STTTT ngày 09/6/2023

Trụ sở: số 15A đường Giải Phóng, thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3846.953     Fax: 0228.3847.922
Designed by VNPT Nam Định

  
Chung nhan Tin Nhiem Mang