Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Vai trò của Đoàn Thanh niên trong việc góp phần đảm bảo an sinh xã hội cho cộng đồng và cho thanh niên

Quyền được đảm bảo an sinh xã hội là một trong những mục tiêu ưu tiên của Đảng và Nhà nước, đã được xác nhận tại Điều 34 của Hiến pháp 2013. Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 01 tháng 6 năm 2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XI một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020 đã khẳng định "Đến năm 2020, cơ bản bảo đảm an sinh xã hội toàn dân, bảo đảm mức tối thiểu về thu nhập, giáo dục, y tế, nhà ở, nước sạch và thông tin, truyền thông, góp phần từng bước nâng cao thu nhập, bảo đảm cuộc sống an toàn, bình đẳng và hạnh phúc của nhân dân”. Thực hiện các mục tiêu nêu trên, thanh niên với vai trò là lực lượng xung kích đã tích cực tham gia vào các hoạt động đảm bảo an sinh xã hội thông qua các hoạt động tuyên truyền, vận động chính sách; tổ chức thực hiện, giám sát và phản biện chính sách.
1. Tuyên truyền, vận động chính sách về an sinh xã hội
Đoàn Thanh niên các cấp đã chủ động và tích cực vận động đoàn viên, thanh niên tham gia góp ý hoàn thiện hệ thống pháp luật và chính sách về an sinh xã hội như: Luật Bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em sửa đổi, bổ sung, Bộ Luật Lao động năm 2012, Luật Việc làm năm 2013, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, Luật Giáo dục nghề nghiệp năm 2014, Pháp lệnh Ưu đãi Người có công với cách mạng năm 2012. Nhiều góp ý của Đoàn Thanh niên đã được đưa vào các Dự thảo luật.
Công tác phổ biến, tuyên truyền chủ trương, chính sách về an sinh xã hội được triển khai rộng khắp qua các kênh báo viết, báo hình, báo mạng, đài phát thanh, tờ rơi; câu lạc bộ tuyên truyền pháp luật, tủ sách pháp lý để nâng cao nhận thức và kiến thức cho đoàn viên thanh niên và nhân dân. Các ấn phẩm tuyên truyền, tài liệu phục vụ sinh hoạt chi đoàn từng bước được đổi mới, có lồng ghép nội dung về an sinh xã hội để nâng cao nhận thức của đoàn viên và nhân dân trong việc đảm bảo an sinh xã hội.
2. Thực hiện các chương trình an sinh xã hội
2.1. Chăm lo thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng
Đoàn Thanh niên đã thể hiện được vai trò xung kích trong công tác chăm sóc đời sống vật chất, tinh thần của người có công với cách mạng. Phong trào  "Đền ơn đáp nghĩa - Uống nước nhớ nguồn” do tổ chức Đoàn Thanh niên phát động đã triển khai tu sửa, làm đẹp các nghĩa trang liệt sĩ và tượng đài Tổ quốc ghi công; thăm hỏi, giúp đỡ, tặng quà gia đình chính sách, thương binh, liệt sỹ, Mẹ Việt Nam anh hùng; khám bệnh, phát thuốc miễn phí; tặng học bổng cho con em gia đình chính sách. Vào dịp kỷ niệm ngày thương binh, liệt sỹ 27/7 hàng năm, tổ chức Đoàn trên cả nước đồng loạt tổ chức Lễ thắp nến tri ân, dâng hương, hoa tưởng nhớ đến công lao các anh hùng, liệt sỹ trong các nghĩa trang, đài tưởng niệm liệt sỹ, đã để lại ấn tượng tốt trong nhân dân cả nước, nhắc nhở thanh niên ngày nay về những hy sinh của thế hệ cha anh trong công cuộc bảo vệ chủ quyền đất nước.
Các hoạt động của các tổ chức đoàn các cấp đã góp phần đảm bảo đời sống người có công không ngừng được cải thiện. Đến cuối năm 2015, hơn 98% hộ gia đình chính sách người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình hộ dân cư nơi cư trú.
2.2 Hướng nghiệp, dạy nghề, tạo việc làm
Tạo việc làm cho người lao động, trong đó có thanh niên là một trong những ưu tiên của các chương trình việc làm quốc gia. Kết quả đánh giá cho thấy, Trung ương Đoàn đã sử dụng có hiệu quả vốn vay ưu đãi thuộc Quỹ quốc gia về việc làm, góp phần hình thành nên nhiều trang trại trẻ, tổ hợp tác, hợp tác xã làm ăn có hiệu quả. Nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh của đoàn viên thanh niên đã mở rộng quy mô, tạo việc làm và tăng thêm thu nhập cho nhiều lao động trẻ ở địa phương. Tính đến nay, tổng nguồn vốn Quỹ Quốc gia về việc làm do Trung ương Đoàn điều hành và quản lý đạt  hơn 72 tỷ đồng, đang triển khai thực hiện trên cả nước với khoảng 1.420 dự án (tăng 3 tỷ đồng so với năm 2014)[1]. Hoạt động vay vốn từ Ngân hàng Chính sách Xã hội qua hệ thống Đoàn được đẩy mạnh. Năm 2015, dư nợ trong hệ thống Đoàn tăng 2.100 tỷ đồng (15%), dự kiến dư nợ vượt mục tiêu đề ra của năm khoảng 800 tỷ đồng[2].
Thực hiện Đề án “Hỗ trợ thanh niên học nghề và tạo việc làm giai đoạn 2008 – 2015” về dạy nghề, giải quyết việc làm đối với thanh niên, Trung ương Đoàn phối hợp liên ngành với các Bộ, Ngành liên quan đặc biệt là Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội thực hiện truyền thông, tư vấn về nghề nghiệp, việc làm đối với thanh niên hiệu quả và được xã hội ghi nhận, đánh giá cao. Các chương trình thông tin truyền thông về nghề nghiệp, việc làm được định kỳ phổ biến trên Đài truyền hình Việt Nam, Đài tiếng nói Việt Nam, các Đài phát thanh và truyền hình địa phương; các Báo của đoàn thanh niên như Tiền Phong, Thanh niên, Tuổi trẻ, Sinh viên.
Giai đoạn 2008-2014, các trung tâm hướng nghiệp, dạy nghề và giới thiệu việc làm của các cấp bộ Đoàn đã tư vấn, truyền thông về nghề nghiệp, việc làm cho gần 6,4 triệu lượt thanh niên, bình quân 1,28 triệu người/năm[3].
Các hoạt động của Đoàn đã góp phần cùng với cả nước giải quyết việc làm cho khoảng 7,827 triệu lao động trong giai đoạn 2011-2015, trong đó tạo việc làm trong nước khoảng 7.349 nghìn người; xuất khẩu lao động trên 478 nghìn người[4]. Nhờ vậy, tỷ lệ thất nghiệp chung có xu hướng giảm, đến Quý 3/2015, tỷ lệ thất nghiệp của những người trong độ tuổi lao động còn 2,35%; trong đó khu vực thành thị là 3,38%; khu vực nông thôn là 1,86%.
Các trung tâm hướng nghiệp, dạy nghề và các cơ sở đào tạo của các cấp bộ Đoàn đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng lực lượng lao động, hỗ trợ tạo việc làm cho người lao động. Hiện nay, 50% lực lượng lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật, tỷ lệ lực lượng lao động qua đào tạo có bằng cấp chứng chỉ chiếm trên 20%[5].
Tuy nhiên, giải quyết và đảm bảo việc làm bền vững cho thanh niên vẫn là một áp lực lớn, tỷ lệ thanh niên thất nghiệp cao gấp ba lần so với tỷ lệ thất nghiệp chung. Chất lượng việc làm thấp, 53% lao động tập trung ở ngành nông nghiệp, lao động tự làm và lao động không hưởng lương, luôn đối mặt với việc làm bấp bênh, thu nhập thấp, không tiếp cận được các chính sách an sinh xã hội. Hiện nay, mới có 23% lực lượng lao động tham gia bảo hiểm xã hội; khoảng 18% lực lượng lao động có bảo hiểm thất nghiệp.
2.3  Chính sách giảm nghèo
Công tác xoá đói giảm nghèo trong thanh niên đã được các cấp, các ngành và tổ chức đoàn triển khai rộng rãi với nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Những mô hình điển hình làm ăn có hiệu quả như tổ tiết kiệm và vay vốn; tổ hợp tác đường nước; tổ hợp tác cung ứng dịch vụ đầu vào, đầu ra; tổ chăn nuôi; tổ hợp tác góp vốn, góp sức... đã góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của thanh niên. Qua đó đã thể hiện vai trò xung kích của tuổi trẻ với công tác xoá đói giảm nghèo ở mỗi địa phương. 
Thực hiện Quyết định số 170/QĐ-TTg ngày 26/1/2011 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Dự án thí điểm tuyển chọn 600 trí thức trẻ ưu tú, có trình độ đại học tăng cường về làm Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã thuộc 62 huyện nghèo và Quyết định số 08/2011/QĐ-TTg ngày 26/1/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường cán bộ cho các xã thuộc huyện nghèo để thực hiện Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 của Chính phủ hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo (nay là 64 huyện), các trí thức trẻ được tuyển chọn đã có nhiều nỗ lực, tích cực đóng góp, xây dựng và phát triển địa phương. Nhiều trí thức trẻ đã được cấp ủy, chính quyền, nhân dân đánh giá cao và tin tưởng giao phó trách nhiệm.
Có thể khẳng định các hoạt động của Đoàn thanh niên đã góp phần làm giảm tỷ lệ hộ nghèo cả nước từ 14,2% năm 2011 xuống còn dưới 4,5% vào cuối năm 2015, bình quân mỗi năm giảm 2%. Tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm từ 50,97% cuối năm 2011 xuống còn 28% cuối năm 2014, bình quân mỗi năm giảm trên 5%[6].
2.4 Đảm bảo an sinh xã hội đối với nhóm dễ bị tổn thương
Thực hiện hoạt động trợ giúp xã hội cho các đối tượng đặc biệt khó khăn, nhiều hoạt động tình nguyện vì sức khỏe cộng đồng, góp phần đảm bảo an sinh xã hội đã được Đoàn Thanh niên tổ chức thực hiện như: chương trình “Tết cho người nghèo”, ngày hội Thầy thuốc trẻ làm theo lời Bác, tình nguyện vì sức khỏe cộng đồng[7], Hành trình nhân ái vì sức khỏe cộng đồng, giúp nhân dân khắc phục hậu quả mưa bão... Một số hoạt động như “Tiếp sức người bệnh”, “Mang âm nhạc đến bệnh viện”[8]. Bên cạnh đó, Đoàn Thanh niên cũng là lực lượng tích cực tham gia phòng chống, khắc phục hậu quả của bão lũ, thiên tai, hỏa hoạn.. kịp thời giúp người dân khi có những biến cố xảy ra.
Với sự phối hợp tích cực của Đoàn Thanh niên, chính sách trợ giúp xã hội ngày càng được thực hiện hiệu quả. Năm 2012 có khoảng 2,375 triệu người được trợ giúp đến năm 2015 đã tăng lên gần 2,7 triệu người (đạt 3% so với dân số), chủ yếu là nhóm người cao tuổi từ 80 tuổi trở lên, người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng, trẻ em mồ côi. Chính sách trợ giúp xã hội đã góp phần đảm bảo ASXH, ổn định chính trị, trật tự và an toàn xã hội trong thời gian vừa qua.
Các cấp Đoàn Thanh niên tích cực phối hợp tổ chức Chương trình gây quỹ ủng hộ trẻ em nghèo; tuyên truyền, vận động, hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn, học sinh bỏ học trở lại trường, xây dựng Nhà bán trú dân nuôi … Nhờ vậy, đã góp phần nâng cao tỷ lệ học sinh đến trường, giảm tình trạng học sinh bỏ học vì khó khăn kinh tế.
Thực hiện Đề án “Hỗ trợ thanh niên học nghề và tạo việc làm giai đoạn 2008 - 2015” , đã tư vấn, hướng nghiệp được trên 3 triệu đoàn viên, thanh niên về học nghề, khởi sự doanh nghiệp và lập nghiệp; tham gia dạy nghề, giới thiệu việc làm cho trên 500.000 đoàn viên, thanh niên[9]; đã tích cực tham mưu với cấp ủy, chính quyền ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ tài năng trẻ. Các cấp bộ Đoàn đã phối hợp với ngành giáo dục đào tạo, ngân hàng chính sách xã hội hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn tín dụng học tập[10]; Nhiều học sinh hiếu học có hoàn cảnh khó khăn, học sinh khó khăn ở vùng sâu vùng xa, con em thanh niên công nhân đã được các tổ chức Đoàn thăm, tặng quà, đồ dùng học tập, trao học bổng; Trung ương Đoàn cũng đã tổ chức 9 lớp đào tạo nghề cho 190 học viên là người khuyết tật tham gia, giúp họ có cơ hội tham gia thị trường lao động[11].
Các hoạt động giáo dục, chăm sóc sức khoẻ sinh sản vị thành niên, thanh niên, phòng, chống HIV/AIDS trong thanh niên, đặc biệt là thanh niên yếu thế, thanh niên chậm tiến ngày càng được quan tâm.
 Hoạt động tình nguyện chăm sóc sức khỏe cộng đồng được thực hiện hiệu quả. Năm 2014, hầu hết các Tỉnh, Thành Đoàn đã tổ chức được các đội hình y, bác sĩ trẻ tình nguyện, đã thu hút 22.663 lượt y, bác sỹ trẻ tham gia khám chữa bệnh và cấp phát thuốc miễn phí cho 297.276 người dân. Các cấp bộ Đoàn đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động đoàn viên, thanh niên, người dân đăng ký tham gia hiến máu cho ngân hàng máu sống, máu hiếm. Chương trình "Hành trình đỏ 2014" tại 25 tỉnh, thành phố với sự tham gia của gần 15.000 tình nguyện viên tham gia, thu hút trên 25.000 người đăng ký tham gia, tiếp nhận được trên 16.200 đơn vị máu[12].
Trong hoàn cảnh hệ thống đường giao thông, cầu dân sinh ở các vùng nông thôn không đầy đủ, không đảm bảo, thanh niên các địa phương đã góp 1.588.015 ngày công xây dựng mới và duy tu, sửa chữa 8.913 km đường giao thông nông thôn, 627.198 ngày công tham gia 61.999km giao thông thủy lợi nội đồng, 244.799 ngày công xây dựng 2.820 nhà văn hóa, 204.436 ngày công xây dựng  5.255 nhà nhân ái, nhà bán trú dân nuôi[13].
Thực hiện Đề án xây dựng chòi tránh lũ cho đối tượng hộ nghèo, gia đình chính sách khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ và Bắc Trung Bộ, Đoàn Thanh niên đã đóng góp 26.449 ngày công, vận động quyên góp, ủng hộ 4.215 triệu đồng xây dựng 4.000 nhà ở phòng tránh, bão, lụt cho các hộ nghèo[14].
Để hỗ trợ người dân tiếp cận thông tin, Trung ương Đoàn Thanh niên đã triển khai Chương trình “Xây dựng 1.000 điểm tuyên truyền phổ biến kiến thức khoa học công nghệ và truy cập Internet cho thanh niên nông thôn” và Dự án “Tăng cường cung cấp thông tin khoa học công nghệ cho thanh niên, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh biên giới, miền núi phía Bắc” tại 33 xã thuộc 11 tỉnh, góp phần giới thiệu và trang bị những kiến thức cơ bản về công nghệ thông tin, giúp thanh niên khai thác các website hữu ích phục vụ học tập, ứng dụng khoa học kỹ thuật và giải trí lành mạnh[15].
2.4 Tham gia giám sát, phản biện chính sách
Giám sát, phản biện chính sách cũng làm một trọng những hoạt động được tổ chức Đoàn các cấp đặc biệt quan tâm. Những năm qua, Đoàn Thanh niên đã phối hợp thực hiện và hoàn thành chương trình tổng rà soát việc thực hiện chính sách người có công với cách mạng và cựu thanh niên xung phong trong 2 năm 2014 - 2015; giám sát chính sách của nhà nước về nghề nghiệp - việc làm cho thanh niên; tham gia góp ý xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, trong đó có các văn bản chính sách về an sinh xã hội trước khi ban hành tổ chức sơ kết giữa nhiệm kỳ công tác kiểm tra, giám sát của Đoàn; tập huấn nghiệp vụ công tác kiểm tra, giám sát, phản biện xã hội cho đội ngũ cán bộ làm công tác kiểm tra, giám sát của Đoàn các cấp.
2.5 Một số tồn tại
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc đảm bảo an sinh xã hội cho cộng đồng và thanh niên vẫn còn một số hạn chế như: Tỷ lệ thanh niên thất nghiệp còn cao. Tỷ lệ thất nghiệp thanh niên (15-24 tuổi) hiện nay là hơn 7%, cao gấp 3,1 lần so với tỷ lệ thất nghiệp chung. Chất lượng giáo dục và đào tạo thanh niên chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Kết quả xóa đói, giảm nghèo chưa thật sự bền vững; nguy cơ tái nghèo còn cao. Đa số thanh niên làm việc trong khu vực phi chính thức không tham gia BHXH do nhận thức về tuổi già và phòng ngừa rủi ro còn hạn chế. Nguồn lực hỗ trợ thanh niên còn hạn chế, chưa huy động, khai thác được tiềm năng của địa phương cũng như của người dân.
3. Định hướng vai trò của Đoàn Thanh niên trong đảm bảo an sinh xã hội cho cộng đồng trong thời kỳ mới
Trong thời gian tới, chính sách an sinh xã hội đối đối với thanh niên còn đặt ra nhiều thách thức như:
- Xu hướng già hoá dân số đặt ra những thách thức về chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi, đòi hỏi đoàn viên, thanh niên phải nỗ lực trong công tác an sinh xã hội cho người cao tuổi[16]. Bình quân mỗi năm có trên 600 nghìn người bước vào tuổi 60, tăng 7,5%/năm, đặt ra cho chính sách an sinh xã hội nhiều thách thức, cần có sự quan tâm, phối hợp của các ngành, các cấp, đặc biệt là các cấp bộ đoàn.
Việc duy trì việc làm ổn định còn nhiều khó khăn, thất nghiệp có nguy cơ tăng, đến năm 2020, số người thất nghiệp dự kiến khoảng 3% lực lượng lao động, đòi hỏi lực lượng thanh niên cần chủ động hơn nữa trong việc phát triển nghề nghiệp.
- Biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp và trầm trọng. Nước ta nằm trong khu vực thường xảy ra mưa, bão, lũ lụt, khí hậu toàn cầu biến đổi kèm theo hiện tượng nước biển dâng đặt ra những thách thức mới về giải quyết việc làm và an sinh xã hội cho thanh niên nói chung và người dân nói riêng.
- Khủng hoảng kinh tế toàn cầu, rủi ro thiên tai, rủi ro xã hội ngày càng có qui mô lớn hơn, ảnh hưởng trên diện rộng hơn và khó lường trước, đặt ra thách thức cho hệ thống chính sách xã hội, nhất là chính sách an sinh xã hội.
- Hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng sẽ đặt ra nhiều thời cơ mới, tuy nhiên cũng đặt ra nhiều thách thức trong đảm bảo việc làm trong thị trường cạnh tranh với lao động là người nước ngoài, đòi hỏi lực lượng thanh niên cần chuẩn bị hành trang hội nhập tốt hơn về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng tay nghề, khoa học công nghệ, ngoại ngữ, ý thức tác phong công nghiệp.
Với tinh thần “ Đâu cần thanh niên có, việc gì khó có thanh niên”, Đoàn thanh niên tiếp tục sẽ là lực lượng xung kích thực hiện chính sách an sinh xã hội cho cộng đồng và cho thanh niên. Để phát huy hơn nữa tinh thần của thanh niên trong xây dựng việc đảm bảo an sinh xã hội cho cộng đồng và thanh niên cần tập trung một số nội dung sau:  
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về an sinh xã hội. Các tổ chức Đoàn tăng cường tuyên truyền chính sách an sinh xã hội trên các kênh thông tin của Đoàn và trên các phương tiện thông tin đại chúng; chú ý phổ biến các mô hình xóa đói, giảm nghèo, có hiệu quả tốt, để làm cơ sở nhân rộng, hình thành các đội hình thanh niên tình nguyện, trí thức trẻ tình nguyện tham gia phát triển nông thôn, miền núi.
Tiếp tục nâng cao vai trò của các cấp Đoàn trong việc đảm bảo chính sách đối với người có công với cách mạng. Đảm bảo hỗ trợ kịp thời và có hiệu quả đối với người có công, gia đình và thân nhân người có công với Cách mạng về phát triển sản xuất, việc làm, bảo đảm tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, nhất là chăm sóc sức khoẻ, giáo dục, đào tạo; Phát triển sâu rộng các  phong trào của thanh niên "Đền ơn đáp nghĩa - Uống nước nhớ nguồn” góp phần chăm sóc tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần của người có công với cách mạng.
Quan tâm hơn nữa chính sách hỗ trợ thanh niên học nghề và tạo việc làm, tăng cường đào tạo và phát triển kỹ năng cho thanh niên lao động…góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trẻ đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Trong đó, mở rộng hỗ trợ học nghề, tư vấn việc làm đến đối tượng là thanh niên nghèo, khuyết tật,... Tiếp tục hỗ trợ thanh niên tiếp cận với các nguồn vốn của Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm để phát triển sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, nhân rộng các mô hình kinh tế, chuyển giao, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất góp phần xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương, nhất là ở những địa bàn khó khăn. Triển khai xây dựng “làng thanh niên lập nghiệp”, các dự án nuôi trồng thủy sản, các hoạt động chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất, phát triển tổ hợp tác thanh niên, tổ tiết kiệm và vay vốn; các mô hình liên kết phát triển kinh tế.
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với Trung ương đoàn và các cơ quan có liên quan khẩn trương xây dựng Đề án Hỗ trợ thanh niên lập nghiệp và khởi sự doanh nghiệp trình Thủ tướng Chính phủ ban hành (dự kiến vào cuối năm 2016).
Đẩy mạnh việc triển khai chính sách hỗ trợ người dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện theo tinh thần của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 và các văn bản hướng dẫn Luật; triển khai các biện pháp tuyên truyền và nâng cao vai trò, trách nhiệm của đoàn viên trong việc tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện để tăng tỷ lệ thanh niên làm việc khu vực phi chính thức tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Phát triển các hoạt động tình nguyện góp phần đảm bảo an sinh xã hội, tình nguyện tiêu biểu như: Chương trình gây quỹ ủng hộ trẻ em nghèo; tuyên truyền, vận động, hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn, học sinh bỏ học trở lại trường, chương trình “Tết cho người nghèo”, Hành trình nhân ái vì sức khỏe cộng đồng, giúp nhân dân khắc phục hậu quả mưa bão...
Chủ động hơn nữa hoạt động tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn và hỗ trợ nhà ở cho người nghèo, phát triển sản xuất nhằm hỗ trợ nhóm dễ bị tổn thương và giảm nghèo bền vững. Hỗ trợ người dân tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản như: y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch, vệ sinh môi trường và thông tin truyền thông.
Tăng cường sự trao đổi, phối hợp liên ngành thường xuyên, liên tục, giữa các bộ, ngành, đặc biệt là ngành Lao động – Thương binh và Xã hội và Đoàn Thanh niên trong việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nghiên cứu khoa học và tổ chức thực hiện, giám sát các chính sách an sinh xã hội./.
   Đào Hồng Lan
Thứ trưởng, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội

Nguồn: molisa.gov.vn

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ - SỞ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI TỈNH NAM ĐỊNH

Trưởng ban Biên tập: ông Nguyễn Tuấn Song - Phó giám đốc Sở.

Giấy phép của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Nam Định số 02/GP-TTĐT-STTTT ngày 09/6/2023

Trụ sở: số 15A đường Giải Phóng, thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3846.953     Fax: 0228.3847.922
Designed by VNPT Nam Định

  
Chung nhan Tin Nhiem Mang