Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đồng bộ giải pháp để thực hiện Chiến lược bình đẳng giới trong bối cảnh Covid-19

Ủy ban Xã hội của Quốc hội nhận định, năm 2021 là năm bắt đầu thực hiện Chiến lược bình đẳng giới của giai đoạn mới (2021- 2026), tuy ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, nhưng 6 tháng đầu năm với sự chỉ đạo quyết tâm của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương, việc thực hiện đã được triển khai rộng khắp và đạt được kết quả tích cực. 

anh tin bai
Ảnh minh họa
Theo báo cáo về khoảng cách giới toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) năm 2021, ước tính đại dịch COVID-19 đã làm chậm tiến trình thu hẹp khoảng cách giới tương đương “một thế hệ” (từ 99,5 năm tới 135,6 năm, dựa trên tiến độ hiện tại).
Các nghiên cứu khác cũng cho thấy, dịch Covid-19 đã tác động sâu sắc đối với phụ nữ, những người có nguy cơ mất việc làm cao hơn nhiều so với nam giới, trong khi vẫn phải đảm nhận gánh nặng trong sóc gia đình, con cái khi các trường học bị đóng cửa. Các báo cáo nhấn mạnh rằng những tác động này sẽ còn kéo dài và các mục tiêu cơ bản đối với bình đẳng giới đang trở nên càng khó thực hiện.
Có thể nói, dịch COVID-19 đã tạo ra một nguy cơ chưa từng có tiền lệ, khi bất bình đẳng gia tăng cùng lúc ở hầu hết các quốc gia. Đại dịch cũng đã tạo ra sự gián đoạn hệ thống giáo dục lớn nhất trong lịch sử, ảnh hưởng tới gần 1,6 tỷ người học tại hơn 190 nước trên tất cả các châu lục và làm gia tăng bạo lực đối với phụ nữ.
Từ năm 2020 đến nay, Việt Nam đã trải qua 4 đợt bùng phát dịch, tác động nghiêm trọng tới tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, sự ảnh hưởng đối với nam và nữ lại khác nhau, điều này đã góp phần làm tăng khoảng cách giới trong một số lĩnh vực, gây thách thức cho việc thực hiện công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ phụ nữ cũng như triển khai thực hiện các mục tiêu chiến lược quốc gia.
Báo cáo tác động của đại dịch COVID-19 đối với doanh nghiệp Việt Nam cho thấy có tới 87,2% doanh nghiệp bị ảnh hưởng tiêu cực. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện chiếm hơn 90% tổng số doanh nghiệp chủ yếu do phụ nữ làm chủ. Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng dịch bệnh khiến các doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ bị thiệt hại hơn nhiều so với doanh nghiệp do nam làm chủ.
Khủng hoảng COVID-19 đã tạo ra khoảng cách về tỷ lệ thất nghiệp theo hướng bất lợi cho phụ nữ. Khi đại dịch xuất hiện, tỷ lệ thất nghiệp của phụ nữ trong quý IV năm 2020 tăng so với quý IV năm 2019 (quý IV năm 2019, tỷ lệ thất nghiệp từ 15 tuổi trở lên của nam và nữ là 2,12% và 1,90%, trong khi số liệu tương ứng của năm 2020 là 1,75% và 3,24%).
Đáng chú ý là tỷ lệ phụ nữ cho biết họ là lao động tự làm hoặc lao động gia đình đã tăng lên và cao gấp đôi so với tỷ lệ này ở nam giới (19,6 % so với 8,6% ở nam giới). Đây là nhóm đối tượng lao động phần lớn không có bảo hiểm xã hội.
Nỗ lực thúc đẩy bình đẳng giới trong bối cảnh đại dịch
Theo các chuyên gia, việc thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới 6 tháng đầu năm 2021 cơ bản đạt được nhiều kết quả tốt, để tiếp tục phát huy hiệu quả, cần có các giải pháp đồng bộ và phù hợp để thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới trong bối cảnh đại dịch COVID-19.
Trước những tác động nặng nề của đại dịch COVID-19, Chính phủ đã có nhiều chính sách, giải pháp nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp và thúc đẩy bình đẳng giới.
Đặc biệt, việc xây dựng, ban hành và triển khai các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi COVID-19 đã được phân tích và lồng ghép vấn đề bình đẳng giới một cách cụ thể, đi kèm với những giải pháp thiết thực nhằm bảo đảm đến quyền lợi và tính đến nhu cầu của mỗi giới, góp phần thúc đẩy bình đẳng giới, rút ngắn khoảng cách về giới trong các lĩnh vực đời sống xã hội.
Trong thời gian qua, sự chuyển biến trong nhận thức và hành động của các cấp ủy đảng, chính quyền, trong đội ngũ cán bộ, công chức và nhân dân về bình đẳng giới đã mang lại kết quả rõ rệt. Tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2025, tỷ lệ nữ trúng cửa HĐND các cấp và tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội khóa XV đều tăng so với nhiệm kỳ trước.
Về vấn đề bình đẳng giới, tại Cuộc họp Bộ trưởng Phụ nữ ASEAN (AMMW) lần thứ 4 tổ chức ngày 15/10/2021 theo hình thức trực tuyến, chia sẻ nỗ lực của Việt Nam, Bộ trưởng LĐTBXH Đào Ngọc Dung khẳng định cam kết thúc đẩy thực hiện công tác bình đẳng giới và tăng cường quyền năng cho phụ nữ, đặc biệt là quyền năng kinh tế.
Điều này, theo Bộ trưởng đã được thể hiện trong những tiến bộ về lồng ghép giới trong các luật pháp, chính sách, áp dụng các chương trình giáp dục đào tạo trực tuyến linh hoạt, ứng dụng công nghệ số cho các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ do phụ nữ làm chủ đồng thời cung cấp các dịch vụ tài chính và phi tài chính cho phụ nữ yếu thế nhằm góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống và vị thế của phụ nữ.
Ngay như các gói hỗ trợ được Chính phủ Việt Nam đưa ra nhằm giảm thiểu các tác động tiêu cực của đại dịch cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi đại dịch, đặc biệt là gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng “đã mở rộng thêm những đối tượng đặc thù như lao động nữ mang thai và nuôi con nhỏ dưới 6 tuổi và các nhóm đối tượng mà trong đó phụ nữ chiếm đa số như lao động tự do, hộ kinh doanh, viên chức hoạt động nghệ thuật…”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nêu rõ.
Có thể nói, vấn đề bình đẳng giới tiếp tục nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ. Năm 2021 cũng là năm đầu thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030. Sau khi kết thúc Chiến lược giai đoạn 2011-2020, Chính phủ đã tổng kết và Ban hành Chiến lược mới cho giai đoạn 2021-2030 (gọi tắt là Chiến lược) với nhiều chỉ tiêu mới phù hợp với công tác bình đẳng giới trong tình hình mới.
Đồng thời, đây cũng là năm bắt đầu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, với nhiều nội dung liên quan đến các chỉ tiêu bình đẳng giới.

Đây cũng là cơ sở quan trọng cho việc tiếp tục thu hẹp khoảng cách giới, tạo điều kiện để phụ nữ và nam giới tham gia, thụ hưởng bình đẳng trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước. 

 (Trích nguồn: http://www.molisa.gov.vn/)

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ - SỞ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI TỈNH NAM ĐỊNH

Trưởng ban Biên tập: ông Nguyễn Tuấn Song - Phó giám đốc Sở.

Giấy phép của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Nam Định số 02/GP-TTĐT-STTTT ngày 09/6/2023

Trụ sở: số 15A đường Giải Phóng, thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3846.953     Fax: 0228.3847.922
Designed by VNPT Nam Định

  
Chung nhan Tin Nhiem Mang